CNQP&KT - Đồng Tiến là tên một phường thuộc thị xã Phổ Yên (tỉnh Thái Nguyên) - mảnh đất giàu truyền thống đấu tranh yêu nước và là phường có tốc độ phát triển kinh tế-xã hội tốp đầu của “thị xã trẻ” Phổ Yên.

Hoàng Đàm là đất thảnh thơi

Long chầu, hổ phục lắm người tài ba…

Đó là câu ca cổ nói về tổng Hoàng Đàm, phủ Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên thời xa xưa. Từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, tổng Hoàng Đàm được điều chỉnh lại một phần địa giới và đổi tên thành xã Đồng Tiến, thuộc huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên.

 “Long chầu hổ phục” là cách nhìn của những bậc thức giả am tường phong thủy và địa lý khi nói về vùng đất này. Nơi đây là quê hương của nhiều danh nhân khoa bảng nức tiếng gần xa, tiêu biểu là Đệ Tam giáp đồng Tiến sĩ Nguyễn Cấu văn võ song toàn, làm quan đến chức Thị vệ, phụng sự 6 đời vua Lê. Hoàng Đàm xưa, Đồng Tiến nay không chỉ là một địa chỉ văn hóa mà còn là mảnh đất giàu truyền thống đấu tranh yêu nước. Thời tiền Lý, tổng Hoàng Đàm từng có nhiều vị tướng tài được nhân dân phong là Đức Thánh Tam Giang và xây đền thờ. Nơi đây cũng từng là hậu cứ vững chắc của cuộc khởi nghĩa Yên Thế cuối thế kỷ XIX và cuộc binh biến của Đội Cấn (Cai Đội Trịnh Văn Cấn) đầu thế kỷ XX chống thực dân Pháp. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Đồng Tiến là cửa ngõ quan trọng của Thủ đô Kháng chiến An toàn khu (ATK). “Làng chiến đấu Hoàng Đàm” là một điển hình của phong trào toàn dân đánh giặc, góp phần bẻ gãy một trong 2 “gọng kìm” của địch tiến công lên Việt Bắc cuối năm 1947 và tham gia chiến đấu trong Chiến dịch Biên giới năm 1950. Tiêu biểu là trận chiến ngày 29/9/1950, quân và dân xã Đồng Tiến phối hợp với bộ đội địa phương huyện Phổ Yên đã phục kích đánh địch trên quốc lộ số 3, đoạn từ Nghè Ông Đại đến thị trấn Ba Hàng, góp phần chặn đứng bước tiến của quân địch lên tỉnh lỵ Thái Nguyên…

Một góc "làng Quân giới" Z131.   Ảnh: HƯƠNG LÊ

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, xã Đồng Tiến là địa bàn nằm trên 2 tuyến giao thông quan trọng là tuyến đường sắt Hà Nội - Thái Nguyên và quốc lộ số 3; đồng thời cũng là nơi sơ tán của nhiều cơ sở kinh tế, văn hóa, quốc phòng và là khu vực tản cư của đồng bào các địa phương. Vì vậy, Đồng Tiến trở thành một mục tiêu đánh phá ác liệt của máy bay Mỹ. Quân và dân xã Đồng Tiến đã vượt lên gian khổ hiểm nguy, vừa xây dựng hậu phương vững mạnh, vừa tổ chức chiến đấu bảo vệ quê hương, đồng thời tích cực chi viện cho chiến trường miền Nam ruột thịt.

Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên đi vào hoạt động góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn phường Đồng Tiến.  Ảnh: CTV

Những câu chuyện trên đây tôi thu lượm được nhờ sự nhiệt tình của anh Lý Thái Việt, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đồng Tiến, nay là phường Đồng Tiến của thị xã Phổ Yên. Anh Việt đã dành hẳn một buổi chiều để dẫn tôi đi tham quan những di tích, công trình văn hóa, xã hội, kinh tế của mảnh đất “long chầu, hổ phục” và gặp gỡ một số nhân chứng qua các thời kỳ. Anh Việt kể với tôi, anh cất tiếng khóc chào đời tại Đồng Tiến đúng vào năm máy bay Mỹ đánh phá miền Bắc. Những chuyện sản xuất, chiến đấu, hy sinh của quân và dân Đồng Tiến hồi đánh Mỹ thì anh chỉ còn nhớ láng máng vì hồi ấy anh còn đội mũ rơm đi học cấp một. Kể cả chuyện năm 1971, khi Nhà máy Z131 (thuộc Tổng cục Công nghiệp quốc phòng) chuyển về Đồng Tiến, được chính quyền và nhân dân địa phương chở che giúp đỡ trong buổi đầu xây dựng cơ ngơi, anh cũng chỉ hồi tưởng qua câu chuyện của bố anh là một đại úy, cựu chiến binh từ thời chống Pháp và nghỉ hưu vào đúng năm Z131 di chuyển về xã nhà. Dấu ấn sâu đậm trong ký ức của anh chính là những năm tháng anh được trực tiếp tham gia đóng góp xây dựng quê hương, nhất là vào những năm đầu công cuộc đổi mới. Anh Tiến cho biết: Đồng Tiến xưa chỉ chuyên trồng lúa và các loại hoa màu, nên “Khoán 10” đến với Đồng Tiến như một luồng gió mới. Và từ những thành công về thực hiện “Khoán 10”, kinh tế tư nhân của xã nhà từng bước phát triển. Cùng với đó là các công trình điện - đường - trường - trạm được cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới ngày càng hoàn thiện. Bộ mặt nông thôn mới ngày càng khởi sắc thì cơ cấu ngành nghề cũng dần thay đổi, sản xuất tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ - thương mại không ngừng phát triển. Nhiều cơ sở dịch vụ ăn uống, sản xuất đồ gỗ, sửa chữa cơ khí, chế biến nông sản, sản xuất và kinh doanh vật liệu xây dựng… ra đời và làm ăn khấm khá. Các ngành nghề mở ra đã tạo công ăn việc làm cho thanh niên địa phương và thu hút lao động từ nông nghiệp chuyển sang. Đó cũng là một yếu tố góp phần hạn chế những tiêu cực xã hội do “nhàn cư vi bất thiện”, thúc đẩy sự nghiệp văn hóa - giáo dục của xã nhà vững bước đi lên…

Một góc phường Đồng Tiến nhìn từ trên cao. Ảnh: PV

Bước vào thiên niên kỷ mới, xã Đồng Tiến nổi lên là một điểm sáng về thu hút đầu tư. Chỉ tính từ năm 2010 đến năm 2015, xã đã có trên 300 héc-ta đất được giải phóng mặt bằng dành cho phát triển công nghiệp và dịch vụ. Điển hình là các dự án: Khu công nghiệp Yên Bình, Nhà máy Samsung, đường cao tốc Hà Nội-Thái Nguyên và các dự án tái định cư. Trong đó, riêng Dự án Nhà máy Samsung tọa lạc trên diện tích hơn 200 héc-ta. Theo đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế của xã như có thêm một “cú huých” mới, cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch tích cực, tỷ trọng sản xuất nông nghiệp chỉ còn chiếm 10%, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 52 triệu đồng/năm. Thành quả kinh tế - xã hội trong công cuộc xây dựng nông thôn mới của xã Đồng Tiến nằm trong đà phát triển chung của huyện Phổ Yên và tỉnh Thái Nguyên. Cụ thể là vào ngày 15/5/2015, Quốc hội đã ra nghị quyết thành lập thị xã Phổ Yên với 4 phường là Ba Hàng, Bắc Sơn, Bãi Bông và Đồng Tiến.

Tỷ trọng sản xuất nông nghiệp của Đồng Tiến chỉ còn chiếm 10%, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 52 triệu đồng/năm.

Đồng Tiến từ xã lên phường, đời sống xã hội cũng như nếp sống của mỗi người dân có nhiều thay đổi phù hợp với yêu cầu xây dựng và phát triển đô thị mới, nhưng nhiều giá trị văn hóa của tổng Hoàng Đàm xưa và xã Đồng Tiến sau này vẫn được gìn giữ và phát huy, làm nền tảng cho sự phát triển bền vững của phường Đồng Tiến hôm nay. Sự phát triển của Đồng Tiến có đóng góp không nhỏ của Nhà máy Z131, một doanh nghiệp quân đội tiêu biểu ở địa phương. Những năm qua, sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả cao không những giúp đời sống của người lao động Nhà máy ngày một nâng lên mà đơn vị còn có điều kiện hỗ trợ địa phương phát triển kinh tế - xã hội. Theo đại diện lãnh đạo, chỉ huy Nhà máy, 5 năm qua, tăng trưởng bình quân hằng năm của Nhà máy đạt trên 14%, tổng doanh thu đạt trên 6.400 tỷ đồng, thu nhập bình quân đạt hơn 12,7 triệu đồng/người/tháng. Nhờ đó, Nhà máy có điều kiện giúp địa phương xây dựng 7 công trình các loại với kinh phí trên 3,2 tỷ đồng; xây dựng 3 nhà tình nghĩa với tổng kinh phí gần 200 triệu đồng... Đồng Tiến từ xã lên phường, có được vóc dáng đô thị cũng một phần nhờ "làng Quân giới Z131" được hình thành và phát triển gần 40 năm nay. Thăm "làng Quân giới Z131", tận mắt thấy đường sá, nhà cửa khang trang mà tôi cứ ngỡ đang ở những đô thị lớn. Điều đáng nói, hàng trăm hộ gia đình quần tụ xung quanh Nhà máy Z131, trong đó có những gia đình 3 thế hệ “lính thợ”, đã làm nên một ngôi làng đặc biệt của phường Đồng Tiến. Ngôi làng ấy vừa mang nét đẹp truyền thống của ngành Quân giới Việt Nam trước đây và Công nghiệp quốc phòng hiện nay; đồng thời, chứa đựng những nét bản sắc văn hóa của địa phương, trở thành một bộ phận hữu cơ của Đồng Tiến từ nhiều chục năm nay. Điều đáng tự hào là “làng Quân giới” luôn là một điểm sáng trong phong trào xây dựng “làng văn hóa” trước đây và “nông thôn mới” hiện nay của không chỉ phường Đồng Tiến mà còn của thị xã Phổ Yên.

Sản xuất hàng kinh tế góp phần nâng cao đời sống người lao động Nhà máy Z131.   Ảnh: BÁ DUY

Tạm biệt phường Đồng Tiến, tôi nhớ mãi lời tâm sự của chị Phạm Thị Thúy, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng nhân dân phường: Hiện nay, trên địa bàn phường có nhiều doanh nghiệp quốc doanh và liên doanh, có tác động tích cực đến sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trong đó, có những doanh nghiệp như Nhà máy Samsung hằng năm đóng góp cho ngân sách địa phương hàng trăm tỉ đồng, thu hút một số lượng lớn con em địa phương vào làm việc… Nhưng Nhà máy Z131 vẫn luôn là chỗ dựa vững chắc cho địa phương trong xây dựng cơ sở chính trị trong sạch vững mạnh, xây dựng đời sống văn hóa mới, đảm bảo trật tự - an ninh, thực hiện chính sách đền ơn đáp nghĩa và các công tác xã hội khác.

Nhà máy Z131 giúp nhân dân địa phương làm đường giao thông nông thôn.  Ảnh: CTV

MAI NAM THẮNG

Bình luận


Họ và tên:*

Đơn vị:     

Điện thoại:*               

Email:*                       

Nội dung: