CNQP&KT - Hiện nay, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển mạnh mẽ với mạng internet, thiết bị thông minh, phần mềm điều khiển... được kết nối với nhau tạo thành hệ thống “internet vạn vật” (tiếng Anh là Internet of things) có thể giải quyết nhanh chóng các nhu cầu của con người.

SỰ THÔNG MINH VÀ TÍNH PHỨC TẠP

Cụm từ “Internet vạn vật” được đưa ra lần đầu tiên vào năm 1999, bởi Kevin Ashton, nhà khoa học sáng lập Trung tâm Nhận dạng tự động (Auto-ID) thuộc Viện Công nghệ Massachusetts - MIT (Mỹ), nơi nghiên cứu, thiết lập các quy chuẩn toàn cầu cho phương thức giao tiếp không dây dùng sóng radio, cũng như một số loại cảm biến khác. Internet vạn vật là một kịch bản kết nối của thế giới, khi mỗi đồ vật, từng con người được cung cấp một định danh của riêng mình và có khả năng truyền tải, trao đổi thông tin, dữ liệu qua mạng duy nhất mà không cần đến sự tương tác trực tiếp giữa người với người hay người với máy tính. Internet vạn vật được phát triển trên cơ sở hội tụ công nghệ không dây, công nghệ vi cơ điện tử và mạng internet, gồm các đối tượng “thông minh” được điều khiển và tương tác với nhau, cung cấp các dịch vụ và giải pháp mà không cần sự can thiệp của con người. Sự xuất hiện của hệ thống này có thể làm thay đổi hoàn toàn cuộc sống của con người trong tương lai không xa. Khi mọi vật được “internet hóa”, người dùng có thể điều khiển chúng từ bất kỳ nơi nào, không bị hạn chế bởi không gian và thời gian.


Ứng dụng internet vạn vật trong vận hành nhà máy thông minh.  Ảnh: Internet

Internet vạn vật có hai đặc điểm nổi bật, đó là sự thông minh và tính phức tạp. Tương lai của internet vạn vật là một mạng lưới các thực thể thông minh có khả năng tự tổ chức và hoạt động riêng lẻ tùy theo tình huống, môi trường; đồng thời, liên lạc được với nhau để trao đổi thông tin, xử lý dữ liệu. Việc kết hợp trí tuệ nhân tạo đã giúp các thiết bị, máy móc, phần mềm thu thập và phân tích các dấu vết điện tử của con người khi chúng ta tương tác với những thứ thông minh, từ đó phát hiện ra tri thức mới liên quan tới cuộc sống, môi trường, các mối tương tác xã hội cũng như hành vi của con người. Đồng thời, các thực thể, máy móc trong hệ thống này sẽ phản hồi dựa trên các sự kiện diễn ra theo thời gian thực. Bên cạnh đó, hệ thống này có tính chất phức tạp bởi bao gồm một lượng lớn các đường liên kết giữa những thiết bị, máy móc, dịch vụ và không ngừng phát triển bởi khả năng thêm vào các nhân tố mới. Một mạng lưới internet vạn vật có thể chứa từ 50 đến 100 nghìn tỷ đối tượng được kết nối và có thể theo dõi sự di chuyển của từng đối tượng.

Internet vạn vật hội tụ công nghệ không dây, công nghệ vi cơ điện tử và mạng internet, gồm các đối tượng “thông minh” được điều khiển và tương tác với nhau, cung cấp các dịch vụ và giải pháp mà không cần sự can thiệp của con người.

TIỀM NĂNG PHÁT TRIỂN

Theo thống kê của giới chuyên gia công nghệ, trên thế giới hiện có khoảng 11 tỷ thiết bị được kết nối internet và trung bình mỗi giây có thêm 80 thiết bị mới được nối mạng. Tuy nhiên, hiện vẫn còn tới 99% sự vật trong thế giới vật lý chưa được tích hợp internet và con người vẫn đang tiếp tục hành trình “kết nối những gì chưa được kết nối”. Theo dự báo đến năm 2025, có khoảng 50 tỷ đồ vật được kết nối internet, trong đó có hàng tỷ thiết bị di động, hứa hẹn nhiều tiềm năng phát triển vượt trội đối với internet vạn vật, bao gồm những lĩnh vực nổi bật sau:

Quản lý năng lượng thông minh: Đây là một trong những mục tiêu hàng đầu khi phát triển internet vạn vật. Trong cuộc sống, con người sử dụng rất nhiều năng lượng tự nhiên. Tuy nhiên, nguồn năng lượng này không phải vô hạn và có thể tái tạo. Theo đó, bài toán đặt ra là làm thế nào để tối ưu hóa mức tiêu thụ năng lượng của các thiết bị, và một trong các giải pháp là làm cho các thiết bị đó trở nên thông minh hơn, có khả năng nhận biết môi trường xung quanh, lập lịch và điều khiển từ xa. Các hệ thống chiếu sáng có khả năng cảm nhận được môi trường xung quanh để điều chỉnh thời gian bật, tắt phù hợp. Hệ thống tưới nước thông minh có thể theo dõi diễn biến của thời tiết để thiết lập lịch trình và tự động tưới chính xác lượng nước vào đúng thời điểm thích hợp nhằm tiết kiệm điện, nước…

Giao thông thông minh: Hiện nay, tại các thành phố lớn, vấn đề quản lý, điều hành giao thông trở nên phức tạp bởi mật độ phương tiện tăng cao vào giờ cao điểm, hoặc do thời tiết xấu làm ảnh hưởng tới việc di chuyển của các phương tiện dẫn tới tình trạng ùn tắc đường. Nhờ internet vạn vật, người ta có thể quản lý, điều hành giao thông đơn giản, hiệu quả hơn. Các bộ cảm biến sẽ cho biết tình trạng mặt đường, mật độ phương tiện đang lưu thông và cảnh báo trước khả năng ùn tắc cục bộ để điều chỉnh phân luồng, thời gian cho đèn tín hiệu giao thông. Ngoài ra, xe ô tô tự hành cũng có khả năng theo dõi thời tiết, tình trạng giao thông để tính toán thời gian cũng như xác định tuyến đường để tránh ùn tắc.


Mô hình nhà thông minh.    Ảnh: Internet

Nhà thông minh: Đây là một trong những ứng dụng phổ biến nhất của internet vạn vật, khi tất cả thiết bị trong nhà đều có thể được kết nối với nhau và với mạng internet. Qua ứng dụng trên các thiết bị, như: điện thoại thông minh, máy tính… người sử dụng có thể điều khiển, lập lịch, giám sát hoạt động của mọi thiết bị trong nhà. Khi chúng ta về đến nhà, cửa sẽ tự động mở, đèn tự sáng, rèm được kéo ra, tivi sẽ tự bật kênh yêu thích. Các thiết bị thông minh trong nhà cũng có thể tự thay đổi nhiệt độ trong phòng tùy theo cảm ứng nhiệt độ ngoài trời, hoặc theo ý muốn người sử dụng. Chúng ta cũng không phải lo lắng khi ra ngoài mà quên chưa khóa cửa bởi sự ra đời của các loại khóa cửa thông minh, có thể mở hoặc khóa bằng các thiết bị di động.

Thiết bị y tế thông minh: Các trang, thiết bị này có thể giúp các bệnh viện giải quyết các tình huống như hội chẩn các ca mổ phức tạp, hỗ trợ hoặc trực tiếp tham gia mổ từ xa. Các thiết bị theo dõi sức khỏe, kiểm soát huyết áp, nhịp tim, đường huyết... hỗ trợ các bác sỹ điều trị, kiểm soát chế độ ăn uống sinh hoạt của người bệnh. Công nghệ theo dõi (tracking) kết hợp với công nghệ nhận dạng (identification) có thể giúp giảm thiểu sai sót trong quá trình khám, chữa bệnh, như: tránh uống hoặc tiêm nhầm thuốc, nhầm liều, điều trị sai phác đồ, theo dõi tình trạng sức khỏe bệnh nhân sau điều trị… Internet vạn vật còn giúp cảnh báo, khoanh vùng dịch bệnh thông qua các cảm biến theo dõi, giám sát thông tin dịch tễ của người bệnh.

Theo dự báo đến năm 2025, có khoảng 50 tỷ đồ vật được kết nối internet, trong đó có hàng tỷ thiết bị di động, hứa hẹn nhiều tiềm năng phát triển vượt trội đối với internet vạn vật.

Lĩnh vực quốc phòng - an ninh: Internet vạn vật cung cấp khả năng giám sát hệ thống cảnh báo quốc gia, giúp người chỉ huy nhận biết tổng quan về môi trường tác chiến, v.v.. Dựa trên nguyên lý hoạt động của internet vạn vật, hàng loạt vũ khí, trang bị không người lái đã và đang được sản xuất, làm thay đổi diện mạo các cuộc chiến tranh hiện đại. Tuy nhiên, “mặt trái” của internet vạn vật cũng đặt ra một số vấn đề về an ninh - quốc phòng mà các nhà khoa học quân sự đang tập trung giải quyết. Đó là vấn đề kiểm soát, bảo mật thông tin cá nhân, bí mật quân sự; vấn đề nguồn nhân lực chất lượng cao để làm chủ và khai thác hiệu quả các loại vũ khí, trang bị đang ngày càng trở nên “thông minh” hơn, được lập trình và điều khiển từ xa.

Tiềm năng kinh tế: Theo dự báo của giới chuyên gia tài chính, internet vạn vật sẽ mang lại lợi nhuận về kinh tế lên tới 19 nghìn tỷ USD vào năm 2024 và góp phần gia tăng 21% lợi nhuận cho các doanh nghiệp trên toàn cầu từ nay đến năm 2025. Internet vạn vật hiện là một trong những lĩnh vực màu mỡ, dễ sinh lời cho các nhà sản xuất thiết bị, phát triển phần mềm.

 CÁC LĨNH VỰC CẦN NGHIÊN CỨU

Sự phát triển bùng nổ của internet vạn vật là xu thế tất yếu, do vậy, để bắt kịp tốc độ phát triển, tăng cường lợi ích và hạn chế những tác động không mong muốn, các quốc gia đang thúc đẩy nghiên cứu tập trung vào một số lĩnh vực sau:

Đạo đức thông tin: Trong thời đại công nghệ thông tin, các doanh nghiệp hưởng lợi trực tiếp từ việc sở hữu và thu thập thông tin từ người dùng, kể cả những thông tin riêng tư cho mục đích phân tích, giúp doanh nghiệp đạt doanh thu cao hơn. Những thông tin này được thu thập, mã hóa và phân tích vì mục đích không chính đáng đã gây ảnh hưởng và xâm phạm quyền riêng tư của người khác. Việc nghiên cứu và ứng dụng internet vạn vật không chỉ làm thay đổi cách sống của con người hiện đại, mà còn cả cách con người hiểu về bản thân, xã hội, các mối quan hệ, triết lý sống và thế giới quan của họ. Do vậy, vấn đề đạo đức trong ứng dụng internet vạn vật cần phải được đặc biệt coi trọng.

Nghiên cứu kỹ thuật: Nghiên cứu kỹ thuật đối với internet vạn vật rất phức tạp và mang tính chuyên môn cao, như: xác định tần số vô tuyến, khắc phục va chạm và nhiễu các nút thông tin, kỹ thuật địa phương hóa, an ninh mạng và đặc biệt là IPv6 (giao thức liên mạng thế hệ 6 nhằm gia tăng số lượng địa chỉ internet toàn cầu, với chuỗi địa chỉ 128 bit thay cho 32 bit như phiên bản IPv4 hiện nay)…

Nghiên cứu ứng dụng: Có thể chia việc nghiên cứu ứng dụng internet vạn vật làm 4 nhóm chính, gồm: giao thông vận tải và hậu cần; chăm sóc sức khỏe; môi trường thông minh (nhà ở, văn phòng, nhà máy) và cá nhân - xã hội. Trên thực tế, ứng dụng của internet vạn vật còn có thể được chia theo hai nhóm chính: nhóm hiện hữu và nhóm tương lai. Các ứng dụng hiện hữu phù hợp với trình độ khoa học - kỹ thuật sẵn có, còn các ứng dụng tương lai mang tính viễn cảnh mà khoa học - kỹ thuật hiện chưa đủ khả năng thực hiện.

Có thể thấy, phát triển hệ thống internet vạn vật là xu thế tất yếu và hứa hẹn tiềm năng rất lớn, đồng thời cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho đời sống xã hội. Chính vì vậy, việc nghiên cứu phát triển, ứng dụng internet vạn vật nhằm phát huy lợi ích và quản lý, giám sát ngăn ngừa rủi ro cần phải được quan tâm giải quyết ngay từ bây giờ.

HẢI PHONG

Bình luận


Họ và tên:*

Đơn vị:     

Điện thoại:*               

Email:*                       

Nội dung: