CNQP&KT - Từ một đơn vị khó khăn, không có lợi thế cạnh tranh, đến nay, Nhà máy Z183 đã bước đi vững vàng bằng cả “hai chân” quốc phòng và kinh tế, trở thành doanh nghiệp cơ khí xuất khẩu uy tín, với sản lượng và giá trị ngày càng tăng, theo hướng ổn định, lâu dài.

Nhân kỷ niệm 40 năm Ngày truyền thống Nhà máy Z183 (31/3/1981-31/3/2021), phóng viên Tạp chí Công nghiệp quốc phòng và Kinh tế đã có cuộc “Gặp gỡ - Đối thoại” với Đại tá Vương Chí Toại, Giám đốc Nhà máy, để hiểu thêm về hành trình vượt khó vươn lên của doanh nghiệp.

TỪ CỘI NGUỒN TRUYỀN THỐNG

Phóng viên (PV): Thưa đồng chí Giám đốc! Cứ mỗi dịp kỷ niệm ngày truyền thống, chúng ta lại nhắc nhớ những chuyện đã qua. Trước khi vào chủ đề chính, xin hỏi, với cá nhân đồng chí, đâu là kỷ niệm đáng nhớ nhất từ khi trở thành “lính thợ Z183”?

Đại tá Vương Chí Toại (Cười): Kỷ niệm thì nhiều lắm, nhưng tôi nhớ nhất là vào thời điểm cuối năm 2001, đã sát Tết Nguyên đán mà Nhà máy chưa có kinh phí để trang trải cho cán bộ, công nhân viên. Lãnh đạo, chỉ huy Nhà máy như "ngồi trên đống lửa". Khi đó, tôi đang là trợ lý Phòng Kế hoạch, đã “đơn thương độc mã” mang hàng và 3 bản hợp đồng vào tận Vũng Tàu để giao cho đối tác dầu khí. Quả thật, với 6 tỷ đồng từ những đơn hàng mà tôi mang về thực sự là “cứu cánh” cho đơn vị trong thời điểm khó khăn đó...


Đại tá Vương Chí Toại.     Ảnh: MINH ANH

PV: (Cũng cười) Vâng! Quả là những kỷ niệm khó quên. Trở lại với chủ đề cuộc đối thoại, tôi nghĩ rằng, diện mạo mới, sức sống mới của Z183 được kết tinh từ truyền thống 40 năm qua. Sử liệu cũng có ghi, việc ra đời Nhà máy Z183 gắn liền với lịch sử của Z111, một trong những nhà máy đầu tiên của ngành Quân giới, thưa đồng chí?

Đại tá Vương Chí Toại: Đúng vậy! Lịch sử hình thành Nhà máy Z111 gắn liền với địa danh Minh Quán, Trấn Yên, Yên Bái - nơi đóng quân của Nhà máy Z183 hiện nay. Tại mảnh đất này, ngày 19/3/1957, Cục Quân giới tổ chức lễ động thổ khởi công xây dựng Xưởng Quân giới 1 - Nhà máy Z1 (nay là Z111). Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Nhà máy đã phát triển trở thành nhà máy đầu đàn của ngành Quân giới và là nhà máy sản xuất vũ khí bộ binh lớn đầu tiên của Việt Nam.

PV: Nhưng có lẽ mối lương duyên giữa Nhà máy Z111 và Nhà máy Z183 không chỉ bởi Z111 từng đóng quân tại đây?

Đại tá Vương Chí Toại: Tất nhiên rồi! Có thể hiểu, Nhà máy Z111 chính là đơn vị tiền thân của Z183. Lịch sử có ghi, trong chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979, để chủ động, kịp thời bảo đảm kỹ thuật cho các đơn vị, theo đề xuất của Tổng cục Kỹ thuật (nay là Tổng cục CNQP - PV) trong các tháng 3, 4, 5 năm 1979, Bộ Quốc phòng ra các quyết định di chuyển, giải thể, thành lập một số nhà máy, kho, tổng kho; trong đó có việc di chuyển Nhà máy Z111 từ tỉnh Hoàng Liên Sơn vào Thanh Hóa. Thực hiện chủ trương này, từ đầu năm 1979 đến năm 1981, Nhà máy Z111 đã tổ chức di chuyển phần lớn lực lượng và hầu hết thiết bị, máy móc của dây chuyền sản xuất súng vào Thanh Hóa. Phần còn lại tại Yên Bái là các thiết bị sản xuất máy và phụ tùng cơ khí không đồng bộ với dây chuyền và các thiết bị chế tạo súng. Đây chính là cơ sở để thành lập nên Nhà máy Z183.

Trải qua 40 năm xây dựng và phát triển, Nhà máy Z183 đã được trao tặng nhiều phần thưởng cao quý, như: Huân chương Chiến công hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương Lao động hạng Nhì, hạng Ba, Cờ Thi đua của Bộ Quốc phòng… Nhân kỷ niệm 40 năm Ngày truyền thống, Nhà máy vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất.

  (Nguồn: Phòng Chính trị, Nhà máy Z183) 

PV: Từ cội nguồn truyền thống là Nhà máy Z111, hiện trạng ngày đầu thành lập Nhà máy Z183 non trẻ như thế nào, thưa đồng chí?

Đại tá Vương Chí Toại: Tôi được biết, ngày 31/3/1981, Tổng Tham mưu trưởng ký ban hành Quyết định số 104/QĐ-TM về việc tách dây chuyền sản xuất máy và phụ tùng, bộ phận thay thế của Nhà máy Z111 để thành lập một nhà máy mới trực thuộc Tổng cục Kỹ thuật, lấy phiên hiệu là Z183. Ngày này đã chính thức được lấy làm ngày truyền thống của đơn vị. Như vậy, Nhà máy Z183 được thừa hưởng toàn bộ cơ sở hạ tầng gồm đất đai, nhà xưởng, một số máy móc, thiết bị cùng hơn 1.000 cán bộ, công nhân viên từ một trong những nhà máy đầu tiên của ngành Quân giới. Z111 chính là đơn vị đầu tiên của ngành Quân giới - CNQP được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân vào năm 1970.

HÀNH TRÌNH VƯỢT KHÓ

PV: Có thể nói, sự ra đời của Z183 chưa hẳn đã đúng vào thời điểm “thiên thời, địa lợi”, và hành trình vượt khó của Nhà máy cũng có nhiều điều chia sẻ, thưa đồng chí?

Đại tá Vương Chí Toại: Cảm ơn nhà báo đã gợi mở! Cần phải nói rằng, tại thời điểm mới thành lập, mặc dù được kế thừa đất đai, nhà xưởng, thiết bị từ Nhà máy Z111, nhưng đa số các trang, thiết bị đã xuống cấp, không đồng bộ. Đặc biệt, là một nhà máy chuyên sản xuất vũ khí, nhưng cho đến những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, Nhà máy Z183 được giao rất ít, thậm chí không được giao kế hoạch sản xuất hàng quốc phòng, do đó, cán bộ, công nhân viên Nhà máy phải bươn chải tìm các nguồn sản xuất hàng kinh tế trong điều kiện thời kỳ đầu cả nước vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Có những điều kiện trước đây (trong chiến tranh và trong thời bao cấp) là thuận lợi, thì nay lại trở thành lực cản của sự phát triển như vị trí đóng quân ở miền núi, xa các khu công nghiệp, bến cảng, trung tâm kinh tế lớn…

Không thể không chia sẻ với nhà báo một thực tế, thời kỳ này có những tháng Nhà máy không đủ tiền để trả tiền điện, tiền lương cho công nhân... Đảng ủy, Ban giám đốc Nhà máy xác định: Z183 phải đi bằng đôi chân của mình, nhanh chóng xóa bỏ tư duy cũ, từng bước thanh lý máy móc, thiết bị cũ; đầu tư mua sắm máy móc, thiết bị hiện đại, mở rộng mặt hàng, giữ vững và phát triển ngành nghề truyền thống; sắp xếp lại tổ chức, biên chế cho phù hợp, khoa học và hiệu quả.


Thủ trưởng Bộ Quốc phòng và Thủ trưởng Tổng cục CNQP kiểm tra sản xuất quốc phòng tại Nhà máy Z183 (tháng 9/2020).    Ảnh: TUẤN MINH

PV: Mục tiêu là vậy nhưng chắc hẳn khi thực hiện cũng không dễ dàng?

Đại tá Vương Chí Toại: Có thể nói, cho đến đầu những năm 2000, Nhà máy vẫn gặp rất nhiều khó khăn do tỷ trọng hàng quốc phòng được giao rất ít, chỉ đạt 15%, trong khi vốn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh thiếu, thiết bị xuống cấp và thiếu cán bộ các ngành như nhiệt luyện, đúc, điện tử, tự động hóa…

PV: Thực ra cái khó của Z183 cũng là thực trạng chung của ngành cơ khí Việt Nam vốn có sức cạnh tranh thấp; công nghệ sản xuất khép kín, lạc hậu, thiết bị chậm được đổi mới; thiếu nhân lực chất lượng cao… nhưng vẫn luôn có cơ hội cho các doanh nghiệp biết phát huy nội lực, mở lối đi riêng?

Đại tá Vương Chí Toại: Đúng vậy! Và Z183 chính là minh chứng, từ một doanh nghiệp khó khăn, không có lợi thế cạnh tranh, chúng tôi đã từng bước vươn lên trở thành doanh nghiệp cơ khí xuất khẩu, với sản lượng và giá trị ngày càng tăng, theo hướng ổn định, lâu dài.

“Tôi tin tưởng rằng, những người đã, đang và sẽ đứng trong “đội hình Z183” đều nỗ lực bảo vệ giá trị cốt lõi “Chất lượng - Chuyên nghiệp - Sáng tạo - Trách nhiệm”, chung sức đồng lòng xây dựng Nhà máy Z183 ngày càng phát triển vững mạnh”.

 (Đại tá Vương Chí Toại, Giám đốc Nhà máy Z183)

VỮNG TIN HỘI NHẬP

PV: Từ một đơn vị được coi là “điểm nóng” của Tổng cục CNQP về vấn đề việc làm, đời sống cho người lao động, thì sự bứt phá của Z183 đúng là một kỳ tích?

Đại tá Vương Chí Toại: (Cười) Tôi không dám nghĩ như vậy, nhưng đúng là Nhà máy đã rất nỗ lực để vượt khó! Tuy có nền tảng của một doanh nghiệp cơ khí chính xác nhưng để “thoát nghèo”, Z183 đã rất cố gắng trong thực hiện nhiệm vụ, trong đó sản xuất quốc phòng luôn là nhiệm vụ được đặt lên hàng đầu. Dù rằng trong giai đoạn 1999-2009, nhiệm vụ sản xuất quốc phòng mà Nhà máy được giao chưa phải là sản phẩm chính theo các dây chuyền đã được đầu tư và chiếm tỷ trọng thấp. Tuy nhiên, sự đổi thay đã đến từ năm 2011, sau 3 năm triển khai dự án hoàn thiện công nghệ chế tạo sản phẩm quốc phòng, Nhà máy được giao nhiệm vụ sửa chữa các loại sản phẩm này. Đây là nhiệm vụ quốc phòng mới, có bước đột phá, chuyển Nhà máy từ chỗ chỉ thuần sản xuất về cơ khí, nay thực hiện nhiệm vụ có liên quan trực tiếp đến đạn dược, thuốc phóng, thuốc nổ…

PV: Qua một thập niên, nhiệm vụ sản xuất quốc phòng của Nhà máy đã có bước phát triển như thế nào, thưa đồng chí?

Đại tá Vương Chí Toại: Những năm qua, Nhà máy Z183 đã triển khai sản xuất quốc phòng đảm bảo an toàn tuyệt đối. Quá trình thực hiện nhiệm vụ, Nhà máy luôn có nhiều giải pháp ổn định công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, tổ chức sản xuất đảm bảo khoa học, hiệu quả. Do vậy, giá thành các sản phẩm giảm từ 7-10%. Tính riêng trong giai đoạn 2015-2019, giá trị sản xuất quốc phòng của Nhà máy tăng 171% so với giai đoạn 2010-2014. Cuối năm 2020 vừa qua, chúng tôi cũng đón nhận tin vui khi tỷ trọng hàng quốc phòng được giao năm 2021 chiếm 60% giá trị doanh thu dự kiến trong kế hoạch năm.

PV: Cùng với nhiệm vụ quốc phòng, phát triển sản xuất kinh tế được xác định là nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược sản xuất - kinh doanh của Nhà máy, nhưng Z183 cũng đã phải trải qua giai đoạn “loay hoay” tìm hướng đi, thưa đồng chí?

Đại tá Vương Chí Toại: Tôi chính là một trong những người “loay hoay” đây (cười). Nói vui vậy thôi! Chắc nhà báo cũng hiểu, để mở hướng đi mới, Z183 đã thay đổi tư duy, có dự báo và định hướng đúng trong phát triển sản xuất kinh tế; chuyển dịch nhanh cơ cấu, giảm mạnh tỷ trọng hàng dịch vụ nhỏ lẻ, giá trị thấp, tăng tỷ trọng sản phẩm sản xuất loạt, giá trị cao. Nhà máy cũng triển khai đồng bộ các giải pháp để phát triển sản xuất kinh tế, như: đầu tư dây chuyền, máy móc, thiết bị hiện đại; thành lập bộ phận nghiên cứu phát triển; xây dựng chiến lược kinh doanh; tăng cường phát triển sản phẩm mới; đổi mới mẫu mã sản phẩm; đăng ký kiểu dáng công nghiệp, chứng nhận chất lượng quốc tế và tiêu chuẩn Việt Nam; tham gia hội chợ triển lãm trong nước và quốc tế…

PV: Đó chính là hành trình “vươn ra biển lớn” của Z183?

Đại tá Vương Chí Toại: Hành trình ấy cũng nhiều “sóng to, gió lớn” lắm, cũng may chúng tôi đã “vững tay chèo” (cười). Tín hiệu vui là trong năm đầu tiên gia nhập sân chơi lớn, doanh thu xuất khẩu của Z183 đã đạt gần 2 triệu USD. Tất nhiên, đó chỉ là kết quả bước đầu và cho đến nay Z183 vẫn luôn nhất quán quan điểm: Chú trọng cải tiến nâng cao năng suất, chất lượng, giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm; xây dựng niềm tin khách hàng và văn hóa kinh doanh.

ỔN ĐỊNH VÀ PHÁT TRIỂN

PV: Từ hướng đi và cách làm rất thiết thực và cụ thể, thành quả đạt được trong sản xuất kinh tế, nhất là xuất khẩu sản phẩm là gì, thưa đồng chí?

Đại tá Vương Chí Toại: Tính từ năm 2014 đến nay, Z183 đã phát triển được trên 10 mặt hàng xuất khẩu (như bếp nướng, hộp sắt bảo quản đạn các loại, máy cưa…) ra thị trường các nước, như: Singapore, Đức, Ý, Mỹ, Nhật, Nam Phi, Ả rập Xê út, Trung Đông… Sản xuất kinh tế luôn đạt mức tăng trưởng khá, bình quân doanh thu tăng 22%/năm. Đặc biệt, hầu hết sản phẩm đều do Z183 trực tiếp xuất khẩu, không qua các công ty thương mại. Trong năm 2020, tuy gặp khó khăn của đại dịch Covid-19, nhưng Nhà máy vẫn ký được hàng loạt hợp đồng trong và ngoài nước. Điều đáng nói, Nhà máy đã chinh phục thành công thị trường Mỹ và Trung Đông, mở ra triển vọng hợp tác ổn định, lâu dài.

PV: Tôi nghĩ, thành quả đạt được còn bắt nguồn từ hiệu quả quản trị doanh nghiệp?

Đại tá Vương Chí Toại: Đúng thế! Để sản xuất hiệu quả, tiên tiến, công tác tổ chức sản xuất rất quan trọng. Doanh nghiệp khó ổn định, phát triển khi bộ máy tổ chức cồng kềnh, hoạt động kém hiệu quả. Do vậy, năm 2011, Đảng ủy Nhà máy đã ban hành nghị quyết về lãnh đạo thực hiện tinh giản biên chế lao động gián tiếp và đổi mới cơ chế tiền lương. Sau gần 10 năm thực hiện, tỷ lệ lao động gián tiếp, bổ trợ giảm còn 28%; tỷ lệ tiền lương trả cho lao động trực tiếp được nâng lên, là nhà máy đi đầu trong công tác tinh giản biên chế lao động gián tiếp của Tổng cục CNQP. Điều đáng mừng là ý thức trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ của mỗi cá nhân và các tập thể đã được nâng lên rõ rệt, mọi người đều nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

PV: Công tác đảm bảo kỹ thuật cho nhiệm vụ sản xuất quốc phòng và kinh tế cũng là một trong những thế mạnh của Z183, thưa đồng chí?

Đại tá Vương Chí Toại: Tôi xin đưa ra một minh chứng thế này, nếu như trước đây, việc sản xuất hộp sắt bảo quản đạn phải trải qua hơn 400 bước thì hiện nay giảm xuống còn hơn 200 bước. Nói thế để thấy, chúng tôi luôn nghiên cứu cải tiến không ngừng để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Những năm qua, Z183 đã chủ động tạo nguồn, tự mua bổ sung 114 thiết bị để giải quyết các “khâu thắt” trong sản xuất. Ngoài việc thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học các cấp, phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong Nhà máy cũng được đẩy mạnh. 5 năm qua, Nhà máy đã áp dụng vào sản xuất 627 giải pháp, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật mang lại hiệu quả cao, giá trị làm lợi hơn 8 tỷ đồng, năng suất lao động bình quân tăng 15,8%/năm. Mặc dù Nhà máy còn mang đậm nét sản xuất cơ khí nhưng kết quả năm 2019 thu nhập bình quân ở mức cao, năm 2020 ở tốp đầu trong Tổng cục CNQP.

PV: Tương lai của Nhà máy Z183 được hoạch định như thế nào, thưa đồng chí?

Đại tá Vương Chí Toại: Phương hướng phát triển giai đoạn 2020-2025 đã được Đảng ủy, Ban Giám đốc Nhà máy xác định cụ thể là tiếp tục đổi mới mạnh mẽ về tư duy và hành động, thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao. Trọng tâm là nâng cao năng lực, làm chủ công nghệ sản xuất, sửa chữa chất lượng, an toàn các loại đạn pháo trong quy hoạch; đồng thời, nghiên cứu phát triển thêm một số sản phẩm quốc phòng mới phù hợp với năng lực thiết bị. Huy động, khai thác có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển sản xuất kinh tế và xuất khẩu sản phẩm. Phấn đấu mức tăng trưởng bình quân về tổng doanh thu đạt trên 10%/năm; mức tăng trưởng doanh thu sản xuất kinh tế đạt trên 15%/năm, trong đó xuất khẩu chiếm từ 60-70%.

PV: Là người đã có hơn hai thập niên đồng hành cùng những thăng trầm của Nhà máy Z183, đồng chí có điều gì muốn nhắn nhủ, gửi gắm đến thế hệ trẻ đang tiếp bước xây dựng Nhà máy hôm nay?

Đại tá Vương Chí Toại: Tính đến nay là tròn 25 năm tôi công tác tại Nhà máy Z183; rèn luyện, trưởng thành từ vị trí trợ lý đến lãnh đạo phòng rồi chỉ huy đơn vị. Thành quả Z183 đạt được ngày hôm nay có sự góp công của nhiều thế hệ cán bộ, công nhân viên, người lao động Nhà máy. Tôi tin tưởng rằng, những người đã, đang và sẽ đứng trong “đội hình Z183” đều nỗ lực bảo vệ giá trị cốt lõi “Chất lượng - Chuyên nghiệp - Sáng tạo - Trách nhiệm”, chung sức đồng lòng xây dựng Nhà máy Z183 ngày càng phát triển vững mạnh.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí Giám đốc!

HÀ ANH (Thực hiện)

Bình luận


Họ và tên:*

Đơn vị:     

Điện thoại:*               

Email:*                       

Nội dung: