CNQP&KT - Để nâng cao hiệu quả tác chiến và đáp ứng yêu cầu của chiến tranh hiện đại, hiện nay, quân đội nhiều nước trên thế giới đang tăng cường đầu tư cải tiến và đổi mới các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự hiện đại, trong đó có tên lửa phòng không vác vai (MANPADS).

Ô-XTRÂY-LI-A

Sách trắng quốc phòng của Ô-xtrây-li-a chỉ rõ: “Chính phủ sẽ thay thế hoặc nâng cấp hệ thống phòng không mặt đất của Lục quân với các hệ thống hiện đại hơn, bao gồm khả năng chống phản pháo mới”. Kế hoạch Khả năng quốc phòng năm 2016 phân bổ 750 triệu đến 1 tỷ UAD cho Chương trình Nâng cấp phòng không mặt đất (Land 19) giai đoạn 7 (Phase 7) để thay thế hoặc nâng cấp RBS - 70, loại vũ khí chủ lực trong hệ thống phòng không mặt đất của nước này (do Công ty Saab Bofors Dynamics của Thụy Điển phát triển).

Những năm qua, Quân đội Ô-xtrây-li-a tích cực triển khai kế hoạch cải tiến mạng lưới phòng không tầm thấp. Từ tháng 3/2006, các tiểu đoàn tên lửa thuộc Trung đoàn Phòng không số 16 Lục quân Ô-xtrây-li-a được trang bị theo Chương trình Nâng cấp phòng không mặt đất (Land 19) giai đoạn 6 (Phase 6). Tên lửa RBS-70 Mark 2 đang có trong trang bị của Tiểu đoàn Phòng không số 111 được thay thế bằng tên lửa tiêu chuẩn Bolide (cũng của Công ty Saab Bofors Dynamics); Tiểu đoàn phòng không số 110 tiếp nhận hệ thống phòng không vác vai của Thụy Điển thay thế cho hệ thống tên lửa phòng không tầm thấp Rapier của Hãng BAE Systems (Anh) đã cũ và lạc hậu (trang bị cách đây 24 năm). Trong Chương trình Land 19, hệ thống RBS -70 được cải tiến bằng cách lắp đặt các đi-ốt la-de thế hệ mới, tạo ra năng lượng la-de lớn hơn trong khi sinh nhiệt lại nhỏ hơn; thay thế kính ngắm đêm COND bằng kính ngắm đêm tạo ảnh hồng ngoại BORC và tích hợp một xen-xơ mạng sao (thay cho xen-xơ mạng quét), giúp cung cấp độ phân giải cao hơn và tiêu thụ điện nhỏ hơn. Tên lửa RBS-70 gồm 3 thành phần: giá phóng (3 chân), kính ngắm và tên lửa. Vì vậy, nó có thể được mang vác bởi 3 người lính.

Hiện, Ô-xtrây-li-a tiếp tục triển khai Chương trình hiện đại hóa hệ thống phòng không mặt đất: mua sắm 5 ra-đa mang vác trinh sát và bắt mục tiêu, tăng tầm (PSTAR-ER); nâng cấp 5 ra-đa PSTAR; đưa vào trang bị hệ thống chỉ huy và điều khiển chiến thuật (TaCCS)...

Trong khi đó, tên lửa Bolide là thế hệ thứ 4 của RBS-70. Tên lửa này có tầm đánh chặn 8km, độ cao 4,5km. Mặc dù vận tốc lớn nhất chỉ khoảng 750 m/s, song nhờ gia tốc nhanh và những ưu thế khác nên đã cải thiện được tính năng của tên lửa để tấn công các mục tiêu có vận tốc cao bay cắt mặt, xuất hiện ngẫu nhiên và các mục tiêu khác. Tên lửa Bolide sử dụng ngòi nổ cận đích đa nhiệm, có thể cài đặt 3 chế độ khác nhau (chế độ thông thường để chống máy bay cánh cố định và trực thăng; mục tiêu nhỏ để chống phương tiện bay không người lái và tên lửa hành trình; tắt để không kích hoạt ngòi nổ cận đích). Đầu đạn kết hợp của tên lửa gồm một lượng nổ tạo hình và trên 3.000 miếng vonfram. Tên lửa Bolide không cần bảo quản, bảo dưỡng trong vòng 15 năm; sau thời gian đó, việc đại tu có thể kéo dài thời gian sử dụng tên lửa thêm ít nhất 15 năm nữa.

Hiện nay, Ô-xtrây-li-a đang tiếp tục triển khai chương trình hiện đại hóa, bao gồm: mua sắm 5 ra-đa mang vác trinh sát và bắt mục tiêu, tăng tầm (PSTAR-ER) có khả năng phát hiện mục tiêu từ khoảng cách 37km của Hãng Lockheed Martin (Mỹ) và nâng cấp 5 ra-đa PSTAR có tầm phát hiện mục tiêu từ 20km; đưa vào trang bị hệ thống chỉ huy và điều khiển chiến thuật (TaCCS) của hãng Saab, cho phép 3 ra-đa kết nối với chỉ huy tiểu đoàn, nhằm cung cấp hình ảnh trên không kết nối các khu vực đơn lẻ, đồng thời truyền dữ liệu tới 15 hệ thống vũ khí trong mạng.

MỸ

Hệ thống tên lửa phòng không vác vai được Quân đội Mỹ triển khai rộng rãi nhất là Stinger FIM-92 của Hãng Raytheon (Mỹ); được trang bị cho Lục quân Mỹ từ những năm 1980. Tổ hợp Stinger có thể lắp trên xe, tàu chiến và máy bay trực thăng. FIM-92C là hệ thống tên lửa “bắn - quên”, có thể tấn công các mục tiêu từ khoảng cách 4.500m, cao 3.800m. Hãng Raytheon đã sản xuất hơn 50.000 tên lửa cho Lục quân, Hải quân đánh bộ Mỹ và 19 quốc gia khác. Được biết, Raytheon đã ký hợp đồng trị giá 45,393 triệu USD, cung cấp cho Đài Loan 171 tổ hợp tên lửa Stinger, 68 hệ thống phòng không và các thiết bị bảo đảm đi kèm.


Tên lửa bắn ra từ hệ thống Avenger M1097.    Ảnh: Internet

Những năm 1980, lớp phòng không mặt đất (GBAD) đầu tiên cho các đơn vị cơ động của Lục quân Mỹ sử dụng hệ thống Avenger M1097 của hãng Boeing (Mỹ), cung cấp hệ thống phòng không tầm ngắn (SHORAD) có tính cơ động cao, giá thành thấp. Hệ thống Avenger, lắp trên xe bánh lốp đa nhiệm cơ động cao (HMMWV) của hãng AM General (Mỹ), gồm một tháp pháo ổn định bằng con quay, 8 tên lửa Stinger trên 2 giá phóng, một súng máy hạng nặng cỡ nòng 50 MP3 của FN Herstal (Bỉ), với 300 viên đạn, có thể bao phủ vùng “chết” của Stinger ở cự ly dưới 200m và tạo khả năng phòng không khu vực trận địa. Hệ thống này sử dụng kính ngắm quang hoặc hồng ngoại quan sát phía trước (FLIR). Một số hệ thống Avenger của Quân đội Mỹ được lắp đặt phân hệ “xoay để hiệu chỉnh” (Slew-to-Cue) để lựa chọn mục tiêu từ “hệ thống chỉ huy, điều khiển, truyền tin và tình báo phòng không” trên màn hình hiển thị và khởi động xoay góc phương vị tự động.

Hiện nay, để tập trung nguồn lực nhằm đối phó với mối đe dọa từ tên lửa đường đạn chiến thuật, Lục quân Mỹ cắt giảm một nửa trong tổng số hơn 700 hệ thống Avenger trong trang bị và chuyển các tiểu đoàn còn lại thành các tiểu đoàn phòng không và phòng thủ tên lửa mới (AMD). Mỗi tiểu đoàn AMD bao gồm 1 đại đội Avenger và 4 đại đội trang bị hệ thống phòng không tầm trung và tầm cao Patriot (do hãng Raytheon chế tạo). Lục quân Mỹ duy trì Avenger trong trang bị đến năm 2018, sau đó thay thế bằng tổ hợp tên lửa phòng không tầm trung hiện đại SLAMRAAM, một thành phần quan trọng của hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa tích hợp (IAMD) tương lai. SLAMRAAM sử dụng tên lửa phòng không tầm trung tiên tiến AIM-120-C7 của hãng Raytheon. Trong khi đó, Hải quân đánh bộ Mỹ đã thay thế hệ thống Avenger theo từng giai đoạn để hiện đại hóa các tiểu đoàn phòng không tầm thấp (LAAD); đưa vào trang bị hệ thống A-MANPADS hiện đại, gồm xe thiết giáp bánh lốp đa nhiệm cơ động cao M1152 mang tên lửa; khối điều khiển từ xa giai đoạn cuối, cho phép cung cấp thông tin nhận biết tình huống và chỉ huy, điều khiển; ra-đi-ô PRC-150/117 cung cấp thông tin thoại và liên kết dữ liệu; tích hợp các hệ thống phóng tên lửa Stinger mang vác.

ANH

Năm 1997, Lục quân Anh được trang bị tên lửa tốc độ cao (HVM) Starstreak của Hãng Thales (Pháp) để thay thế cho hệ thống tên lửa Rapier và hệ thống phòng không vác vai Javelin. Lục quân Anh trang bị 3 phiên bản Starstreak gồm: tổ hợp phóng đơn (1 quả tên lửa); tổ hợp phóng đa nhiệm hạng nhẹ (LML), 3 tên lửa; tổ hợp tự hành lắp trên xe thiết giáp chở quân bánh xích Stormer (của Hãng BAE Systems) với 8 ống phóng tên lửa lắp trên nóc, trong thân xe dự trữ 12 tên lửa và 1 ống phóng đa nhiệm hạng nhẹ. Đối với các phiên bản xuất khẩu, ống phóng đa nhiệm hạng nhẹ có thể được lắp trên rất nhiều kiểu xe bánh xích và bánh lốp khác nhau. Quá trình triển khai, động cơ 2 tầng sẽ phóng Starstreak ra khỏi bệ phóng. Khi tên lửa ở một khoảng cách an toàn, động cơ thứ 2 hoạt động với gia tốc rất lớn (đạt vận tốc trên 4 Mach), 3 đạn con được phóng ra. Hệ thống dẫn bằng la-de sẽ điều khiển đạn hướng về mục tiêu; khi chạm mục tiêu, ngòi nổ chậm sẽ kích hoạt đầu đạn nổ.


Tên lửa Starstreak.    Ảnh: Internet

Từ năm 2004, Lục quân Anh đã giảm số lượng hệ thống tên lửa vận tốc cao tự hành (SP HVM) trong trang bị từ 156 xuống còn 84. Năm 2010, Bộ Quốc phòng Anh đã ký với hãng Thales bản hợp đồng trị giá hàng trăm triệu USD triển khai Dự án Phòng không sẵn sàng (ADAPT) để bảo đảm hệ thống Starstreak HVM tiếp tục phát huy hiệu quả đến hết năm 2020. Xu hướng cải tiến bao gồm hệ thống bám mục tiêu tự động, điều khiển hỏa lực hiện đại và sử dụng tên lửa tiêu chuẩn mới Starstreak II, tăng tầm bắn của hệ thống vũ khí này lên trên 7km.

HUNG-GA-RI

Hệ thống tên lửa “bắn - quên” Mistral (của Hãng MBDA Pháp) đưa vào sản xuất loạt năm 1989, hiện đang được sử dụng tại 27 quốc gia, trong đó có Hung-ga-ri. Đây là tên lửa siêu thanh có tốc độ tối đa khoảng Mach 2,5, có thể tấn công mục tiêu ở cự ly 6,5km, độ cao 3.000m. Tên lửa được lắp đầu đạn nổ mảnh, trọng lượng 3kg với các quả đạn con bằng vonfram. Ngoài các mục tiêu như máy bay cánh cố định, máy bay trực thăng tầm thấp, phương tiện bay không người lái, tên lửa hành trình, Mistral còn có thể tiêu diệt các xe trên bộ. Mistral có thể lắp đặt trên các phương tiện mang khác nhau. Phương án đơn giản nhất là hệ thống phóng kép hạng nhẹ Atlas, lắp trên xe việt dã do Lục quân Hung-ga-ri triển khai từ năm 2000. Hệ thống phóng Atlas và tháp pháo mang hệ thống phóng kép Albi được phát triển để lắp trên xe thiết giáp nhẹ, trang bị 1 kính ngắm hồng ngoại thế hệ thứ 4 (cho phép nhận dạng mục tiêu ở cự ly 10km) và 1 thiết bị phân biệt “địch - ta”. 11 hệ thống phóng có thể được phối hợp với Sở Chỉ huy Mistral (MCP).


Hệ thống tên lửa Mistral được trang bị thêm kính ngắm quang điện tử Matis MP3.    Ảnh: Internet

Năm 2014, Bộ Quốc phòng Hung-ga-ri đã ký bản thỏa thuận với hãng MBDA (Pháp) về việc phát triển hệ thống tên lửa phòng không Mistral (giai đoạn 2016-2018). Theo đó, hệ thống nâng cấp sẽ được trang bị thêm ống ngắm quang điện tử Matis MP3 có chức năng cảnh báo ngày/đêm do Công ty Safran (Pháp) sản xuất, giúp mở rộng phạm vi phát hiện và nhận dạng, đồng thời mang lại khả năng hoạt động tốt hơn trong các điều kiện thời tiết khác nhau. Hệ thống cũng được trang bị la bàn từ và máy thu GPS, có thể đọc tọa độ địa lý của mục tiêu và tăng cường khả năng phối hợp của các chốt bắn trong khu vực phòng thủ. Bên cạnh đó, Bộ Quốc phòng Hung-ga-ri sẽ mua các tên lửa Mistral 3 mới để tăng cường hệ thống phòng không của mình.

Đại tá LÊ VĂN THÀNH 

 

Bình luận


Họ và tên:*

Đơn vị:     

Điện thoại:*               

Email:*                       

Nội dung: