CNQP&KT – Hướng dẫn thủ tục giải quyết hưởng chế độ cho người lao động bị ốm đau, mắc bệnh nghề nghiệp và tai nạn lao động theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội và Luật An toàn, vệ sinh lao động.

Hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết hồ sơ, thủ tục giải quyết hưởng chế độ ốm đau cho người lao động được quy định như thế nào?

                    (Đồng chí Nguyễn Hải Hà, công nhân Nhà máy Z183)

Trả lời: Theo quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 100 Luật Bảo hiểm xã hội; khoản 1, 2 Điều 21 Thông tư số 56/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017 của Bộ Y tế quy định chi tiết thi hành Luật Bảo hiểm xã hội và Luật An toàn vệ sinh lao động thuộc lĩnh vực y tế, hồ sơ giải quyết hưởng chế độ ốm đau cho người lao động được quy định và hướng dẫn cụ thể như sau:

Trường hợp điều trị nội trú: Phải có bản chính (hoặc bản sao) giấy ra viện của người lao động hoặc con dưới 7 tuổi của người lao động; trường hợp chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh trong quá trình điều trị nội trú thì có thêm bản sao giấy chuyển tuyến, hoặc giấy chuyển viện. Trường hợp người bệnh tử vong tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì thay bằng giấy báo tử; trường hợp giấy báo tử không thể hiện thời gian vào viện thì có thêm giấy tờ của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thể hiện thời gian vào viện.

Trường hợp điều trị ngoại trú: Bản chính giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng Bảo hiểm xã hội (BHXH). Trường hợp cả cha và mẹ đều nghỉ việc để chăm con ốm thì giấy chứng nhận nghỉ việc của một trong hai người (bản sao); hoặc giấy ra viện có chỉ định của y, bác sĩ điều trị cho nghỉ thêm sau thời gian điều trị nội trú.

Trường hợp người lao động hoặc con của người lao động khám, chữa bệnh ở nước ngoài thì hồ sơ hưởng chế độ ốm đau quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này được thay bằng bản dịch tiếng Việt được chứng thực của giấy khám bệnh, chữa bệnh do cơ sở khám, chữa bệnh ở nước ngoài cấp.

Ngoài hồ sơ theo hướng dẫn nêu trên, cơ quan nhân sự lập thêm danh sách đề nghị giải quyết hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe cho người lao động theo mẫu hướng dẫn.

Về thời hạn giải quyết hưởng chế độ ốm đau theo quy định tại Điều 102 Luật Bảo hiểm xã hội thực hiện như sau: Trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày trở lại làm việc, người lao động có trách nhiệm nộp hồ sơ cho cơ quan nhân sự cấp trung đoàn và tương đương. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, người sử dụng lao động hoàn thành việc giải quyết chế độ ốm đau đối với người lao động. Trường hợp hồ sơ không được giải quyết thì cơ quan tiếp nhận hồ sơ phải thông báo cho người lao động biết bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Quy trình, trách nhiệm giải quyết hưởng chế độ ốm đau cho người lao động: Người lao động nộp hồ sơ cho cơ quan nhân sự cấp trung đoàn và tương đương. Người sử dụng lao động có trách nhiệm hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ từ người lao động theo quy định; chuyển cơ quan tài chính cùng cấp kèm theo hồ sơ giải quyết hưởng chế độ ốm đau của từng người lao động (không bao gồm sổ BHXH) và toàn bộ dữ liệu hồ sơ hưởng chế độ của số người lao động đề nghị giải quyết chế độ.

Cơ quan tài chính cấp trung đoàn và tương đương có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ và danh sách cùng toàn bộ dữ liệu hồ sơ hưởng chế độ của số người lao động đề nghị giải quyết chế độ do cơ quan nhân sự chuyển đến; thẩm định, tổng hợp và thực hiện chi trả đầy đủ, kịp thời chế độ ốm đau cho người lao động. Đồng thời, cơ quan tài chính có quyền từ chối chi trả đối với các trường hợp lao động tính toán sai chế độ. Khi cấp phát chế độ ốm đau cho người lao động, cơ quan tài chính phải thu hồi tiền lương đã hưởng của những ngày người lao động nghỉ ốm theo quy định.

 

Hỏi: Hồ sơ giải quyết hưởng chế độ cho người lao động không may mắc bệnh nghề nghiệp và tai nạn lao động quy định như thế nào?                   

                               (Đồng chí Lê Hữu Tâm, công nhân Nhà máy Z195)

Trả lời: Tại Điều 58 Luật An toàn, vệ sinh lao động quy định về hồ sơ giải quyết hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp cho người lao động gồm: sổ BHXH; văn bản đề nghị giải quyết chế độ bệnh nghề nghiệp của Thủ trưởng đơn vị trực thuộc Bộ; bản chính giấy ra viện hoặc tóm tắt hồ sơ bệnh án sau khi điều trị bệnh nghề nghiệp (trường hợp không điều trị nội trú tại cơ sở khám, chữa bệnh thì phải có hồ sơ khám bệnh nghề nghiệp); bản chính biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng Giám định y khoa bệnh nghề nghiệp Bộ Quốc phòng; Hội đồng Giám định y khoa bệnh nghề nghiệp Bệnh viện Quân y 175, Bệnh viện Quân y 103. Đối với người lao động bị nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp thì thay bằng giấy chứng nhận bị nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp; báo cáo kết quả thực hiện quan trắc môi trường lao động; quyết định về việc hưởng trợ cấp bệnh nghề nghiệp hằng tháng hoặc một lần; bản quá trình đóng BHXH; phiếu truy trả, phiếu điều chỉnh trợ cấp bệnh nghề nghiệp hằng tháng; thông báo chuyển hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH đối với trường hợp hưởng bệnh nghề nghiệp hằng tháng. Trường hợp thanh toán phí giám định y khoa thì có thêm hóa đơn, chứng từ thu phí giám định; bảng kê các nội dung giám định của cơ sở thực hiện giám định y khoa.

Đối với thủ tục, hồ sơ giải quyết chế độ tai nạn lao động cho người lao đồng được quy định tại Điều 57 Luật An toàn, vệ sinh lao động gồm: sổ BHXH; văn bản đề nghị giải quyết chế độ tai nạn lao động của Thủ trưởng đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng; biên bản điều tra tai nạn lao động và bản khai báo tai nạn lao động; bản chính giấy ra viện hoặc tóm tắt hồ sơ bệnh án sau khi điều trị tai nạn lao động đối với trường hợp điều trị nội trú; bản chính biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng Giám định y khoa cấp có thẩm quyền trong Bộ Quốc phòng.

Trường hợp trong khi làm nhiệm vụ mà bị thương được xác định là tai nạn lao động; đồng thời, được cấp có thẩm quyền xác nhận là thương binh hoặc người hưởng chính sách như thương binh, thì Hội đồng Giám định y khoa lập thêm biên bản giám định thương tật (5 bản).

Trường hợp bị tai nạn giao thông được xác định là tai nạn lao động, thì có thêm một trong các giấy tờ sau: Biên bản khám nghiệm hiện trường và sơ đồ hiện trường vụ tai nạn giao thông; biên bản tai nạn giao thông của cơ quan công an hoặc cơ quan điều tra hình sự cấp có thẩm quyền trong Bộ Quốc phòng; quyết định về việc hưởng trợ cấp tai nạn lao động hằng tháng hoặc một lần; bản quá trình đóng BHXH; phiếu truy trả, phiếu điều chỉnh trợ cấp tai nạn lao động hằng tháng; thông báo chuyển hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH đối với trường hợp hưởng tai nạn lao động hằng tháng. Trường hợp thanh toán phí giám định y khoa thì có thêm hóa đơn, chứng từ thu phí giám định; bảng kê các nội dung giám định của cơ sở thực hiện giám định y khoa.

                  BAN BIÊN TẬP

Bình luận


Họ và tên:*

Đơn vị:     

Điện thoại:*               

Email:*                       

Nội dung: